Nếu từng tìm hiểu về lĩnh vực tín dụng, chắc chắn bạn đã nghe qua về Room tín dụng. Đây là một trong những thuật ngữ được sử dụng rất nhiều tại các ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay vốn. Vậy Room tín dụng là gì? Các doanh nghiệp cần biết những gì về Room tín dụng? Trong bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc trên.
Những khái niệm liên quan tới room tín dụng
Room tín dụng là gì?
Để hiểu Room tín dụng là gì một cách đơn giản nhất, bạn chỉ cần phân tích ngữ nghĩa của cụm từ này. Trong Tiếng Anh, Room tức là căn phòng. Ngoài ra, từ này còn có ý nghĩa khác là không gian, phạm vi. Như vậy, Room tín dụng là phạm vi cho vay, hay nói chính xác hơn là hạn mức cho vay của ngân hàng.
Mỗi năm, Ngân hàng nhà nước sẽ quy định mức tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành. Mỗi ngân hàng thương mại sẽ được phân phối một tỷ lệ Room tín dụng nhất định, tùy thuộc vào tình hình hoạt động, sức khỏe tài chính của ngân hàng đó. Những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, khả năng quản lý tài chính tốt như Vietcombank, VPBank, MB Bank,… thường sẽ có hạn mức cao hơn.
Lấy ví dụ như sau, năm 2022, Ngân hàng nhà nước đặt ra mức tăng trưởng Room tín dụng dự kiến là 14%, có thể thay đổi tùy theo thực tế thị trường. Trong năm 2021, ngân hàng Y có hạn mức tín dụng là 200 ngàn tỷ đồng. Như vậy, trong năm nay, hạn mức tín dụng tối đa ngân hàng này được thực hiện là: 200,000 + 200,000 x 14% = 228,000 tỷ VNĐ.
Hết Room tín dụng là gì?
Vậy hết Room tín dụng là gì, có ý nghĩa như thế nào? Hết Room tín dụng, hay còn được gọi là cạn Room tín dụng, là thuật ngữ để chỉ việc ngân hàng thương mại đã hết giới hạn quy định, do đó không thể tiếp tục hoạt động cho vay vốn.
Vì nhà nước quy định hạn mức tùy theo sức khỏe tài chính của ngân hàng thương mại, nên việc hết Room tín dụng có thể là tín hiệu xấu. Nếu bị phân chia tỷ lệ tăng trưởng hạn mức thấp so với thời gian trước, hoặc so với tổ chức khác, hệ thống ngân hàng đó đang gặp phải rủi ro tài chính cao. Ví dụ như, ngân hàng cho vay số tiền không cân xứng với vốn chủ sở hữu, hoặc hoạt động tập trung vào các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu, bất động sản,…
Nới Room tín dụng là gì?
Như đã nói ở phần giải thích Room tín dụng là gì phía trên, mỗi ngân hàng sẽ được áp một hạn mức tín dụng nhất định, nhằm đảm bảo an toàn tài chính. Điều này có nghĩa, khi đã sử dụng hết Room tín dụng, ngân hàng sẽ không thể cho vay tiền được nữa.
Khi đó, ngân hàng thương mại có thể yêu cầu Ngân hàng nhà nước nới Room tín dụng cho mình. Cơ quan có thẩm quyền sẽ điều tra, rà soát, đánh giá liệu ngân hàng này có đủ khả năng cho vay tiếp không. Ngân hàng nới Room tín dụng cần đáp ứng một số tiêu chuẩn như là:
- Tình hình hoạt động ngân hàng, báo cáo tài chính,…
- Xếp hạng ngân hàng theo tiêu chí quy định tại Thông tư 52/2018 của Ngân hàng nhà nước.
- Ngân hàng nhà nước có thể xem xét nới Room tín dụng tùy theo chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tại sao Ngân hàng Nhà nước quy định Room tín dụng?
Ý nghĩa của Room tín dụng là gì? Tại sao nhà nước cần Room tín dụng? Đây là thắc mắc của không ít bạn đọc khi tìm hiểu về vấn đề này. Có thể nói, Room tín dụng là công cụ quản lý hành chính của nhà nước đối với các ngân hàng. Năm 2011, thuật ngữ này bắt đầu được triển khai rộng rãi tại Việt Nam, nhằm đối phó với một thời kỳ nhiều biến động kinh tế diễn ra khắp toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát cao, cung tiền tăng liên tục, đòi hỏi nhà nước phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, công cụ này cũng giúp nhà nước điều chỉnh, định hướng dòng tiền sử dụng vào các lĩnh vực được ưu tiên. Ví dụ, trong từng thời kỳ sẽ xuất hiện một số dự án được chú trọng hàng đầu, nhằm thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội toàn quốc gia. Vì thế, Ngân hàng nhà nước sẽ nâng hạn mức tín dụng lên mức tối đa có thể.
Ở mức vi mô hơn, Room tín dụng giúp ổn định hoạt động của ngân hàng. Việc ngân hàng cho vay vốn phải được dựa trên các giá trị thực hiện có như vốn điều lệ, quỹ dự trữ,… Nếu cho vay vượt quá khả năng, ngân hàng có thể sẽ phải liên tục huy động vốn bên ngoài, đồng thời tăng lãi suất cho vay để bù trừ. Từ đó, tình trạng nợ xấu gia tăng, ngân hàng khó thu hồi nợ và gặp rất nhiều rủi ro tài chính.
Cập nhật room tín dụng mới của các ngân hàng tại Việt Nam
Ngày 7/9/2022, Ngân hàng nhà nước thông báo nới hạn mức tín dụng với một số tổ chức tín dụng có đề nghị. Có 15 ngân hàng được xét duyệt nâng cao hạn mức tín dụng, tập trung vào những ngân hàng thương mại có hoạt động tài chính lành mạnh.
Cụ thể, ngân hàng VIB xác nhận được nới hạn mức tín dụng 3%. Con số này ở ngân hàng Agribank là 3,5%, ở SHB là 3,2%. Ngân hàng có tỷ lệ nới cao nhất là Sacombank, với 4%. Một số ngân hàng được điều chỉnh hạn mức thấp hơn là TPBank với 1,2%, LienVietPostBank dưới 1%,…
Về sự chênh lệch giữa các con số điều chỉnh Room tín dụng 2022, Ngân hàng nhà nước cho rằng đã đánh giá dựa trên Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Ngoài ra, có một số tổ chức được điều chỉnh với tỷ lệ thấp hơn do hồi đầu năm đã được tăng trưởng tín dụng ở mức khá cao.
Đầu tháng 10 vừa qua, có 4 ngân hàng được nới hạn mức tín dụng là VPBank, HDBank, MB, Vietcombank. Theo thông tin đưa ra, đây đều là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại tổ chức yếu kém, theo chủ trương của Ngân hàng nhà nước.
Tổng kết lại, đến thời điểm này, 18 ngân hàng đã được điều chỉnh hạn mức tín dụng, chiếm 80% tín dụng hệ thống và có khoảng 83,5 ngàn tỷ đồng đưa ra thị trường tiền tệ. Theo đánh giá của chuyên trang VNDirect, đây là sự phân bổ lại hạn mức giữa các ngân hàng thương mại và duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã đưa ra ban đầu.
Doanh nghiệp cần làm gì khi ngân hàng hết room tín dụng?
Sau khi tìm hiểu Room tín dụng là gì, chắc chắn nhiều người sẽ thắc mắc phải làm gì khi ngân hàng hết hạn mức quy định. Tại Việt Nam, nhu cầu vay vốn để đầu tư kinh doanh – sản xuất ngày càng tăng cao. Hầu hết những hoạt động tín dụng này đều được thực hiện tại hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, việc ngân hàng hết Room tín dụng có thể coi là “nỗi khổ” của các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, kể từ đầu năm 2022, tình hình lạm phát trên toàn thế giới tăng mạnh, bởi cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế.
Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng “khát vốn”, khoản vay bị giải ngân chậm trong khi đó nhu cầu sản xuất kinh doanh lại rất cấp bách. Thậm chí, không ít người phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết nhu cầu trước mắt.
Hành động này gây rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, bởi tín dụng đen là trái quy định pháp luật và không đảm bảo lợi ích của bên vay. Chính vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên vay vốn của các tổ chức uy tín, đồng thời theo dõi sát sao tình hình hoạt động và điều chỉnh hạn mức tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, nhà quản trị cũng cần có nâng cao năng lực quản lý tài chính, hạn chế nợ xấu, nhằm đẩy nhanh quá trình giải ngân khi vay vốn tại ngân hàng.
Nếu đang tìm một gói vay vốn kinh doanh uy tín, bạn hãy tham khảo sản phẩm KBank Loan. Đây là dịch vụ được phát triển bởi ngân hàng KBank thuộc Top 3 ngân hàng lớn nhất Thái Lan. KBank chính thức mở chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 8/2022 và mở đầu bằng gói vay vốn dành cho nhóm SMEs, với mục tiêu thu hút 1,2 triệu khách hàng trong năm đầu.
Với gói vay tín chấp KBank Loan, doanh nghiệp được vay vốn với hạn mức lên đến 300 triệu đồng, thời gian giải ngân từ 3 đến 5 ngày, không tài sản bảo đảm, không phát sinh chi phí ẩn, mức lãi suất chỉ từ 1,25%/tháng.
Bài viết đã giúp bạn trả lời câu hỏi Room tín dụng là gì, có ý nghĩa thế nào với hoạt động vay tiền tại ngân hàng. Việc cập nhật các thông tin mới nhất về điều chỉnh Room tín dụng là rất quan trọng đối khách hàng, đặc biệt khách hàng doanh nghiệp, nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
FAQ
Các cách thức theo dõi hoạt động điều chỉnh Room tín dụng là gì?
Bạn có thể theo dõi các thông báo hoạt động điều chỉnh hạn mức tín dụng trên các trang thông tin chính thức của Ngân hàng nhà nước như website sbv.gov.vn. Ngoài ra, việc lắng nghe ý kiến chuyên gia cũng rất cần thiết. Bạn nên theo dõi một số chuyên trang bình luận kinh tế – tài chính uy tín như VnEconomy, VNDirect,…
Một năm có mấy đợt ngân hàng nới Room tín dụng?
Vào đầu năm, Ngân hàng nhà nước sẽ thông báo về mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến cho cả năm. Việc nới hạn mức tín dụng có thể được chia ra khoảng từ 2 đến 3 đợt trong năm, sao cho đảm bảo mục tiêu đã đề ra và đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo: bepos.io