Khả năng thanh toán của doanh nghiệp và Các chỉ số đánh giá?

    Khả năng thanh toán của doanh nghiệp chính là thước đo để đánh giá mức độ tín nhiệm, cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Vậy khả năng thanh toán là gì? Sử dụng những chỉ số nào để đo lường khả năng thanh toán của doanh nghiệp? Hãy cùng nhau tìm hiểu tất cả thông tin về khả năng thanh toán của doanh nghiệp qua bài viết dưới đây nhé!

    Khả năng thanh toán là gì?

    Khả năng thanh toán (Solvency) là một thuật ngữ trong giới tài chính – kinh tế để đo lường mức độ thanh toán các khoản phải thu – trả của ngân sách nhà nước, ngân hàng hay các tổ chức, doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Khả năng thanh toán chỉ kết quả của sự cân bằng giữa các nguồn thu và chi hay giữa nguồn tài chính với nguồn lực sẵn có.

    Đối với doanh nghiệp, khả năng thanh toán là năng lực về tài chính mà doanh nghiệp đó có được nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán tất cả những khoản nợ ngắn hạn và dài hạn cho các cá nhân, tổ chức, ngân hàng có mối quan hệ cho doanh nghiệp vay hoặc nợ.

    Doanh nghiệp nào có khả năng thanh toán cao, chứng tỏ rằng doanh nghiệp đó có năng lực tài chính tốt, đảm bảo khả năng chi trả tốt các khoản nợ hiện có. Ngược lại, nếu khả năng thanh toán thấp nghĩa là doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính và có thể mất khả năng thanh toán. Trong tương lai, nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được các khoản nợ, có thể dẫn đến bị phá sản.

    Lý do cần đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

    Đánh giá khả năng thanh toán là việc làm cần thiết trong mỗi doanh nghiệp. Việc đánh giá này giúp doanh nghiệp cũng như các bên cho vay/nợ của doanh nghiệp có thể nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các phương án quản lý hay đầu tư, cho vay thích hợp:

    • Nếu tình trạng tài chính tốt: Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có thể đảm bảo khả năng thanh toán các khoản vay, nợ. Năng lực tài chính ổn định sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
    • Nếu tình trạng tài chính xấu: Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả, không đảm bảo có thể trả các khoản vay nợ đúng thời hạn. Như vậy sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp và có thể dẫn đến tình trạng phá sản nếu khả năng thanh toán của doanh nghiệp bị mất trong một khoảng thời gian nhất định.

    Thông qua việc đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, các giải pháp sẽ được đề xuất để cải thiện tình hình kinh doanh:

    • Với bản thân doanh nghiệp: Nhận thấy được tiềm năng cũng như nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thanh toán những khoản nợ, doanh nghiệp sẽ có những biện pháp cải thiện và sử dụng dòng tiền hợp lý hơn, xử lý các vấn để và rủi ro khi khả năng thanh toán đang ở mức thấp.
    • Với các nhà đầu tư, các tổ chức/ngân hàng cho vay/nợ: Đánh giá xem doanh nghiệp có khả năng thanh toán những khoản vay nợ khi đến thời hạn hay không, từ đó xem xét đưa ra khoản đầu tư, hợp tác, cho vay để tránh gặp rủi ro.

    Những chỉ số dùng để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

    Để đánh giá được khả năng thanh toán của doanh nghiệp có đang tốt hay không cần phải dựa vào một số chỉ số để đo lường. Những chỉ số đó là:

    Chỉ số đánh giá khả năng thanh toán tổng quát

    Khi đánh giá khả năng thanh toán, doanh nghiệp cần chú ý đến hệ số khả năng thanh toán tổng quát. Chỉ số này thể hiện tổng quan năng lực thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. 

    Cách tính hệ số khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp là:

    Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (Htq) = Tổng tài sản / Nợ phải trả

    Hệ số này thể hiện:

    • Nếu Htq > 2 nghĩa là doanh nghiệp đang có khả năng thanh toán tốt, tuy nhiên hiệu quả sử dụng các nguồn vốn có thể không cao và đòn bẩy tài chính thấp. Doanh nghiệp sẽ khó có những bước tăng trưởng đột phá.
    • Nếu 1 < Htq < 2 nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được các khoản nợ khi tới thời hạn.
    • Nếu 0 < Htq < 1, đặc biệt khi chỉ số gần sát về 0 thì doanh nghiệp đang mất dần khả năng thanh toán. Trường hợp bị phá sản có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không đưa ra giải pháp nào phù hợp.

    Chỉ số đánh giá khả năng thanh toán hiện hành

    Hệ số khả năng thanh toán hiện hành là chỉ số phản ánh một cách khái quát nhất khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. 

    Cách tính hệ số khả năng thanh toán hiện hành của doanh nghiệp là:

    Hệ số khả năng thanh toán hiện hành (Hht) = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

    Hệ số này thể hiện:

    • Nếu Hht thấp hoặc < 1 nghĩa là khả năng trả nợ của doanh nghiệp đang yếu. Đây là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản vay nợ ngắn hạn. Và khi Hht càng dần về 0 thì nguy cơ bị phá sản của doanh nghiệp càng cao.
    • Nếu Hht > 1 nghĩa là doanh nghiệp có khả năng sẵn sàng trả các khoản vay nợ khi đến hạn. Tỷ số càng cao thì khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp càng cao. Tuy nhiên, tỷ số cao không đồng nghĩa với việc khả năng thanh khoản của doanh nghiệp là tốt. Bởi có thể nguồn tài chính của doanh nghiệp đang không được sử dụng hợp lý hay số lượng hàng tồn kho quá lớn, dẫn đến việc khi có biến động trên thị trường, hàng tồn không thể bán ra để chuyển hoá thành tiền được.

    Chỉ số đánh giá khả năng thanh toán nhanh

    Hệ số thanh toán nhanh sẽ tạm thời bỏ qua số lượng hàng hoá tồn kho. Bởi trong tài sản lưu động, hàng tồn kho được coi là một loại tài sản có tính thanh khoản thấp hơn. Hệ số này thể hiện khả năng thanh toán nhanh của doanh nghiệp mà không cần thực hiện các biện pháp thanh lý gấp hàng tồn kho để chuyển hoá thành tiền.

    Cách tính hệ số thanh toán nhanh của doanh nghiệp là:

    Hệ số thanh toán nhanh (Hnh) = (Tài sản ngắn hạn – Số lượng hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

    Hệ số này thể hiện:

    • Nếu Hnh < 0,5 thì nghĩa là doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả và thanh toán các khoản nợ.
    • Nếu 0,5 < Hnh < 1 nghĩa là doanh nghiệp đang có khả năng thanh toán tốt, ổn định, tính thanh khoản cao.

    Chỉ số đánh giá khả năng thanh toán tức thời

    Hệ số thanh toán tức thời hay còn gọi là tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ số này để đánh giá sát sao hơn tình hình thanh toán của doanh nghiệp. 

    Cách tính tỷ số khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp là:

    Tỷ số thanh toán tức thời = (Tiền + Các khoản tương đương tiền) / Nợ ngắn hạn

    Trong đó: Tiền và các khoản tương đương tiền là tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển đổi, các khoản đầu tư ngắn hạn có thể dễ dàng quy đổi thành tiền,…

    Hệ số này dùng để đánh giá tính thanh khoản của doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế ổn định thì tỷ số này dùng để đánh giá tính thanh khoản của doanh nghiệp có thể xảy ra sai sót. Bởi khi nguồn tài chính, đầu tư vào doanh nghiệp không được sử dụng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó đang không sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

    Chỉ số đánh giá khả năng thanh toán lãi vay

    Hệ số khả năng thanh toán lãi vay thể hiện khả năng thanh toán lãi tiền vay của doanh nghiệp và mức độ rủi ro có thể gặp phải của các chủ nợ. 

    Cách tính hệ số khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp là:

    Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước lãi vay và thuế / Lãi vay phải trả trong kỳ

    Hệ số khả năng thanh toán lãi vay có ảnh hưởng rất lớn đến việc xếp hạng tín nhiệm và lãi suất vay vốn của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đảm bảo trả lãi các khoản vay nợ đúng hạn là thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt và ngược lại.

    Chỉ số đánh giá khả năng chi trả ngắn hạn

    Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn là chỉ số phản ánh một cách khái quát nhất khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Cách tính như sau:

    Hệ số khả năng chi trả ngắn hạn = Tiền thuần từ hoạt động kinh doanh /  Nợ ngắn hạn bình quân

    Hệ số này phản ánh khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở trạng thái hoạt động, do dòng tiền chuyển đổi thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tạo ra trong kỳ, mà không phải số dư tại một thời điểm. Hệ số này khả năng chi trả ngắn hạn giúp các nhà quản trị đánh giá được khả năng hoàn trả nợ vay đến hạn từ bản thân hoạt động kinh doanh mà không cần phải có thêm nguồn tài trợ khác.

    Các lưu ý khi đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp

    Hoạt động đánh giá khả năng thanh toán vừa có ý nghĩa với bản thân doanh nghiệp, vừa có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, tổ chức/ngân hàng… Tuy nhiên, khi đánh giá cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

    • Với doanh nghiệp: Cần phải so sánh khả năng thanh toán với nhu cầu thanh toán trong từng giai đoạn. Từ đây, doanh nghiệp có thể đưa ra những chính sách phù hợp để đáp ứng nhu cầu và khả năng tài chính hiện tại, cũng như huy động vốn, đầu tư, mở rộng quy mô,…
    • Với các nhà đầu tư, tổ chức/ngân hàng: Cần phải so sánh giữa khả năng thanh toán của doanh nghiệp với toàn ngành kinh doanh, với các thời điểm trong quá khứ để đưa ra quyết định hợp tác, đầu tư và cho vay phù hợp.

    Doanh nghiệp cần làm gì để phòng ngừa mất khả năng thanh toán?

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 4, Luật phá sản 2014, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có nghĩa là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn.

    Khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì có thể dẫn đến phá sản. Các hành động pháp lý sẽ được thực hiện với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, đồng thời tài sản của doanh nghiệp sẽ được thanh lý để trả cho những khoản nợ tồn đọng.

    Doanh nghiệp cũng có thể liên hệ trực tiếp với chủ nợ và cơ cấu lại các khoản nợ thành nhiều phần nhỏ để dễ dàng xoay sở hơn. Chủ nợ thường sẽ đồng ý với những yêu cầu cơ cấu lại khoản nợ do họ không muốn bị mất tiền mặc dù thời gian trả nợ sẽ lâu dài hơn.

    Tuy nhiên, mất khả năng thanh toán không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị phá sản. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch tái cấu trúc nợ, doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch cho thấy cơ cấu lại có thể giảm chi phí và tiếp tục hoạt động kinh doanh. 

    Doanh nghiệp phải tạo ra một bản đề xuất chi tiết cách nợ có thể cơ cấu, các kế hoạch hỗ trợ khác và gửi cho chủ nợ để họ có niềm tin doanh nghiệp. Nhờ đó doanh nghiệp có thể tạo ra dòng tiền để tiếp tục hoạt động và trả nợ trong tương lai gần.

    Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đọc đã hiểu khái niệm khả năng thanh toán của doanh nghiệp là gì cũng như các chỉ số đo lường khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã mang lại nhiều thông tin hữu ích, giúp bạn có thể áp dụng vào thực tế và đưa ra những quyết định phù hợp cho doanh nghiệp mình.

    FAQ

    Tỷ số tiền mặt là gì?

    Tỷ số tiền mặt là thước đo khả năng thanh toán của một doanh nghiệp, cho thấy mức độ sử dụng tiền và các khoản chi tương đương tiền để trang trải cho nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Tỷ số tiền mặt cần được xem xét cẩn thận hơn so với các tỷ lệ thanh khoản khác, bởi chỉ số này đánh giá những nguồn tài nguyên có tính thanh khoản cao nhất của một doanh nghiệp.

    Chỉ số thanh toán tiền mặt là gì?

    Chỉ số thanh toán bằng tiền mặt cho biết bao nhiêu tiền mặt và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp có thể đáp ứng nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn. Nói cách khác, chỉ số thanh toán tiền mặt cho biết một đồng nợ ngắn hạn thì cần bao nhiêu tiền mặt, hay các khoản tương đương tiền đảm bảo để chi trả. Chỉ số thanh toán tiền mặt có giá trị bằng bao nhiêu là phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô của doanh nghiệp cũng như thời gian đánh giá.

    Theo bePOS.io