Cây xà cừ là gì? Kỹ thuật chồng và chăm sóc chi tiết

 

Xà cừ là một loại cây thân gỗ được nhiều người biết đến nhờ việc mang lại lợi ích về kinh tế, y dược. Ngày nay, xà cừ còn được trồng ở khắp các con đường để làm cây bóng mát đồng thời tạo cảnh quan cho chốn đô thị. Bài viết ngày hôm nay, sẽ giới thiệu đến bạn đọc về một số đặc điểm của cây xà cừ và một kỹ thuật trồng và chăm sóc chúng nhé!

1. Nguồn gốc, xuất xứ

- Tên thường được gọi là:  Cây xà cừ, Cây sọ khỉ

- Tên khoa học gọi là: Khaya senegalensis

- Thuộc họ: Xoan (Meliaceae)

- Nguồn gốc: Cây mọc tự nhiên ở Gambia, Uganda, Becnin và vùng Cộng Hòa Trung Phi,…

- Ở Việt Nam, cây phân bố rộng khắp cả nước, đặc biệt là vùng đồi núi

2. Đặc điểm của cây xà cừ

2.1. Đặc điểm hình thái bên ngoài của cây xà cừ

Thân

Xà cừ là loại cây thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 35 – 40m, đường kính thân có thể đạt đến 2m. Xà cừ là loại cây thường xanh, tán rộng, phân nhiều cành nhánh. Bên ngoài thân cây rất cứng, vỏ cây có màu xám nâu, sần sùi nứt tròn như cái sọ nên cái tên sọ khỉ của cây cũng từ đây mà ra.

Lá cây

Lá xà cừ là loại lá kép lông chim với cuống lá dài, xanh bóng, mọc đối nhau. Đầu lá tròn có mũi lồi ngắn, đuôi nêm, dài từ 6 – 12cm, rộng 3 – 5cm.

Hoa và quả

Hoa xà cừ có màu trắng, nhỏ li ti và kết thành từng chùm. Hoa thường nở vào mùa nắng ( khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm). Khi mùa hoa qua đi cũng là mùa quả đến. Quả xà cừ có hình cầu, vỏ ngoài cứng hóa gỗ. Hạt tròn dẹt, xung quanh bao bởi các cánh mỏng. Quả phát tán bằng hạt, khi chín thì nứt thành 4 mảnh để gió phát tán đi nơi khác nảy mầm, hình thành cây mới

2.2. Đặc điểm sinh trưởng

Cây xà cừ là loại cây thường xanh, có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Đây cũng là một loại cây ưa sáng, sống ở nhiệt độ trung bình, có thể chịu được khô hạn nhưng lại không chịu được rét. Cây thích hợp trồng ở nhiều loại đất, đặc biệt là đất phù sa, phát triển ở mọi loại địa hình. Nhân giống bằng phương pháp phát tán hạt hoặc chiết cành, giâm cành.

3. Những lợi ích mà cây xà cừ đem lại 

Về kinh tế

Khi nói về lợi ích mà cây xà cừ đem lại thì đầu tiên phải kể đến là những lợi ích về kinh tế. Vì là cây lấy gỗ lâu năm nên gỗ xà cừ mang lại lợi ích kinh tế rất cao. Người ta sử dụng loại gỗ này để làm bàn ghế, giường, tủ và một số đồ dùng khác trong gia đình.

Ngoài ra, gỗ xà cừ còn được ứng dụng để đóng tàu thuyền. Việc trồng xà cừ để lấy gỗ đã đem đến một nguồn thu nhập lớn, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân trồng cây.

Phòng chống thiên tai lũ lụt

Đối với các khu vực đồi núi, việc trồng xà cừ còn có tác dụng trong công tác phòng hộ, chống xói mòn và sạt lở đất bởi bộ rễ của cây rất tốt bám sâu và chặt vào đất. 

Tạo cảnh quan bóng mát

Còn ở vùng đồng bằng thì xà cừ lại là một cây công trình được trồng phổ biến trên các đường phố, khuôn viên trường học, công viên, khu đô thị, khu vui chơi giải trí,…nhằm đem lại bóng mát, thanh lọc không khí, giảm thiểu ô nhiễm, chống tiếng ồn và tạo cảnh quan cho không gian, môi trường xung quanh.

Giá trị dược liệu

Ngoài ra, cây xà cừ còn có tác dụng trong y học, chữa bệnh. Các bộ phận của cây như thân, quả, lá , hạt đều được ứng dụng trong các bài thuốc đông y, chữa các bệnh dân gian như bệnh ghẻ, bệnh ho, chống viêm, tiêu sưng,…

4. Kỹ thuật trồng cây xà cừ 

4.1. Chuẩn bị

Thời gian trồng: Nên trồng vào đầu mùa mưa

Mật độ trồng: 625 cây/ha, khoảng cách giữa các cây là 4-5m, hàng cách hàng 3,5m.

Đất trồng: Đất phù sa, đất có độ tơi xốp, thoát nước tốt.

Đào hố: Kích thước hố là 40x40x40cm. Nên đào hố 10 ngày trước khi trồng đồng thời bón lót 0,1 – 0,2kg  phân NPK/hố.

4.2. Cách trồng

Bước 1: Ngâm hạt 60 phút rồi lấy hạt ra ủ bằng vải hoặc khăn ướt, để nơi khô ráo, thoáng mát trong vòng 4 ngày.

Bước 2: Gieo hạt vào ô bầu hoặc túi bầu (túi bầu cần có lỗ thoát nước, đất đóng bầu trộn cùng phân hữu cơ, phân lân hoặc phân chuồng đã hoai mục)

Bước 3: Sau khi cây bắt đầu mọc mầm và cho lá, cao khoảng 50cm, tiến hành đánh cây ra các hố trồng

Bước 4: Tháo vỏ bầu và cắt phần rễ thừa ở phần ngoài và phần dưới vỏ  bầu, khoảng cách giữa mặt đất và mặt bầu từ 7 – 8cm

Bước 5: Lấp đất xung quanh bầu rồi sau đó ta nén chặt để cây không bị ngả nghiêng. Có thể đóng cọc xung quanh để chống cho cây ko bị đổ.

Bước 6: Tưới một lượng nước vừa đủ để đất ẩm, cây không bị héo.

5. Kỹ thuật chăm sóc cây xà cừ

Tưới nước: Thời gian đầu nên tưới 2 lần/ngày và sáng sớm và chiều tối. Khi cây trưởng thành có thể giảm lượng nước tưới 2 ngày/lần

Ánh sáng: Nên trồng ở nơi thoáng mát, có nhiều ánh mặt trời

Nhiệt độ: 25 – 35 độ C

Độ ẩm: 60 – 80%

Độ pH: 6

Dọn dẹp cỏ dại: Thường xuyên dọn cỏ xung quanh gốc cây, tạo môi trường thoáng đãng và đầy đủ chất dinh dưỡng để cây có điều kiện phát triển tốt nhất

Cắt tỉa cành lá: Khi cây trưởng thành, cần phải tiến hành cắt tỉa cành lá sâu bệnh và vun gốc ở thời điểm cây đang sinh trưởng mạnh. Quét vôi quanh gốc cây 2 lần/năm (tháng 2-3 và tháng 8-9) để phòng ngừa sâu đục thân, sâu ăn lá 

6. Một số loại sâu bệnh thường gặp ở cây xà cừ và cách phòng chống

Trong quá trình cây phát triển thì không thể không có các sâu bệnh xuất hiện, một số loại thường gặp ở cây xà cừ đó là các loại sâu thuộc loài Hypsipyla robusta, Lytus spp, vi khuẩn Xanthomonas khaye,…Chúng có thể làm gây chảy nhựa và làm xuất hiện các khối u ở thân cây.

Chính vì vậy khi phát hiện các bệnh trên ở cây chúng ta cần phải tìm loại thuốc đặc trị ngay. Có thể sử dụng Boocdo 1 % bằng cách phun lên mặt lá với lượng thuốc là 1 lít/mét khối và phun 2 tuần/lần.