Bát Chánh Đạo là gì? 8 con đường hướng đến sự giác ngộ

    Bát chánh đạo là gì?

    Bát Chánh Đạo là tám con đường ngay thẳng hay tám phương tiện nhiệm màu đưa chúng sinh đến đời sống chí diệu. Hoặc là con đường chánh tám ngành hướng đến sự giác ngộ giải thoát. 

    Bát chánh đạo còn được gọi với tên khác là Bát Thánh đạo, Bát chi chánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát đạo hành, Bát trực hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, hay Bát lộ.

    Bát Chánh Đạo thuộc Đạo Đế trong Tứ Diệu Đế mà đức phật truyền dạy trong giáo lý đạo phật.

    Bát chánh đạo được xem xét, được suy ngẫm, phải được thực hiện khi và chỉ khi, mỗi bước được chấp nhận hoàn toàn như là một phần của cuộc sống mà bạn tìm kiếm. Phật giáo không bao giờ đòi hỏi đức tin mù quáng, Phật giáo chỉ tìm cách thúc đẩy học hỏi và quá trình tự khám phá bản thân.

    Bát chánh đạo gồm có:

    - Chánh kiến (skrt: samyag-dṛṣṭi, pāli:sammàditthi): thấy đúng. 

    - Chánh tư duy (skrt: Samyak-saṁkalpa, pāli: sammàsankappa): suy nghĩ đúng. 

    - Chánh ngữ (skrt: Samyag-vāc, pāli: sammàvàca): nói đúng. 

    - Chánh nghiệp (skrt: Samyak-karmānta, pāli: samm kammata): làm việc đúng. 

    - Chánh mạng (skrt: Smnyag-ājīva, pāli: sammààjiva): sống đúng. 

    - Chánh tinh tấn (skrt: Samyag-vyāyāma, pāli: sammààyàma): siêng năng đúng. 

    - Chánh niệm (skrt: Samyak-smṛti, pāli: sammà satti): nhớ đúng. 

    - Chánh định (Samyak-samadhi, pāli: sammà samàdhi): tập trung đúng.

    Bát Chánh Đạo có thể chia thành ba nhóm theo đặc tính thực nghiệm của mỗi chi nhánh:

    A. Tuệ (Prajna, Av. Wisdom) gồm có:

    1. Chánh kiến.
    2. Chánh tư duy.

    Nhóm này nhằm trau dồi, vun trồng trí tuệ để đi đến con đường đạt giác ngộ (awakening).

    Chánh kiến nhờ trợ lực của Chánh tư duy mà quan sát đối tượng để nhận định đâu là đúng, đâu là sai.

    B. Giới/ luân lý (Sila, Av. Morality) gồm có:

    1. Chánh ngữ.
    2. Chánh nghiệp.
    3. Chánh mạng.

    Nhóm này nhằm trau dồi, vun trồng những hành vi đạo đức tốt như lòng thương người (compassionate heart), tâm từ bi (compassionate mind) qua những gì mình nói, qua những gì mình làm, và qua nghề nghiệp mình chọn lựa để sinh sống.

    C. Định (Samadhi, Av. Concentration) gồm có:

    1. Chánh tinh tấn.
    2. Chánh niệm.
    3. Chánh định.

    Nhóm này giúp tập trung vào những đối tượng tốt, thanh tịnh để đạt đến niết-bàn, đến giải thoát.

    Con đường tu tập Bát chánh đạo cũng chính là con đường tu tập của Giới - Định - Tuệ

    Bát Chánh Đạo - 8 con đường hướng đến sự giác ngộ bao gồm:

    1. Chánh kiến

    Chánh là ngay thẳng, đúng đắn; Kiến là thấy, nhận biết. 


    Chánh kiến là thấy, nghe, nhận thức đứng đắn, ngay thẳng; hiểu sự vô thường trong cuộc đời, những điều kiện không bằng lòng, và những yếu tố tùy thuộc lẫn nhau của cuộc đời đã gây ra những điều không được bằng lòng, những điều bất mãn.

    Người có chánh kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật. Và khi đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm, tâm không chú; còn khi rõ biết cảnh vật thật, lời lẽ chân, thì chuyên tâm vào sự lý chân thật làm cho đèn huệ sáng ngời, tiền trần không phương che ám được.

    Cũng như bạn có thể đọc các hướng dẫn trên bản đồ, nghiên cứu để chuẩn bị cho cuộc hành trình…đọc và kiểm tra các thông tin rất quan trọng, nhưng chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị. Ở mức độ sâu hơn, kinh nghiệm trực tiếp mới dẫn chúng ta đến sự hiểu biết đúng.

    Hiểu biết thực tế là rất ít giá trị, nếu chúng ta không đặt nó vào trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, chánh kiến ở đây không phải là hiểu lý thuyết mà là hiểu và nhận ra sự thật thông qua trải nghiệm cá nhân.

    * Hiểu biết chân chánh:

    -Hiểu biết tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian này đều do nhân duyên sanh, không trường tồn và luôn luôn biến diệt.

    - Nhận thức rõ nhân quả- nghiệp báo để hành động.

    - Nhận thức rõ giá trị hiện hữu của thân người và mọi vật xung quanh.

    - Nhận thức rõ Khổ- Vô thường- Vô ngã của vạn pháp.

    - Nhận thức rõ tất cả chúng sanh cùng một bản thể thanh tịnh.

    - Nhận thức rõ Tứ đế- Thập nhị nhân duyên, không chấp thường , chấp đọan.

    * Hiểu biết không chân chánh:

     - Chấp Thượng đế tạo vật, không tin lý nhân quả nghiệp báo.

    - Phủ nhận mọi sự vật hiện hữu, không nhận thức chúng từ nhân duyên sanh.

    - Chấp vào thành kiến; quan niệm không bình đẳng giữa người và muôn vật.

    - Cố chấp vào kiến thức vọng tưởng; không tin vào những quả vị giải thoát.

    2. Chánh tư duy


    Chánh tư duy là suy nghĩ đúng đắn với lẽ phải, loại bỏ những ý tưởng tham lam, hảm hại, tàn bạo và ác độc đới với người khác; luôn luôn phát triển và trau dồi lòng vị tha, thương người, và có ý đối xử tốt với mọi người, luôn luôn phát khởi ý tốt đối với mọi chúng sanh, luôn nghĩ tới những người đang khổ sở để mang đến đều tốt lành cho họ, để giải thoát khổ đau cho họ.

    Người tu theo phép Chánh tư duy, thường xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy tìm thể tánh nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối; biết suy nghĩ về ba món vô lậu học: Giới, Ðịnh, Huệ, để tu giải thoát; biết suy xét vô minh và nguyên nhân đau khổ, là nguồn gốc của tội ác, và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành hầu giải thoát cho mình và cho người.

    * Suy nghĩ chân chánh:

    -Suy nghĩ đến nguyên nhân đau khổ của mình và chúng sanh, ở đó vô minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi, để biết mà tu tập hầu tìm được giải thóat cho mình và cho người.

    - Suy nghĩ đến Giới- Định –Huệ làm căn bản tiến tu đến quả vị Niết bàn.

    * Suy nghĩ không chân chánh:

    - Suy nghĩ đến lợi dưỡng, tài sắc, danh vọng tìm trăm mưu nghìn kế để hại người.

    - Suy nghĩ đến nhiều cách để hơn người, mọi mưu mô để trả thù; dùng tà thuật; dựa vào lòng tin của con người để mê hoặc.

    3. Chánh ngữ


    Chánh ngữ là lời nói phải chân thật, đúng với lẽ phải, bởi vì lời nói có một sức mạnh có thể gây nên điều tốt cũng có thể gây nên sự hảm hại cho người nghe. Con người thường nói những điều mình nghĩ nên Chánh ngữ phải theo sau Chánh tư duy; như vậy phải suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra: "Lời nói chẳng mất tiền mua /Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau."

    Chẳng luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo mà tu.

    Vậy, phàm những lời nói đúng lý, hợp lẽ, có lợi ích cho toàn thể chúng sinh là chánh ngữ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế.

    * Lời nói chân thật:

    -Lời nói ngay thẳng, thành thật, hợp lý không thiên vị, hòa nhã, giản dị và sáng suốt.

    -Lời nói lợi ích, đồng nhất và mang tính chất sách tấn, khuyến tu, mở bày ánh sáng giác ngộ tự tâm trong mỗi tha nhân.

    -Lời nói mang tính chất tuyên dương đạo lý làm người; tuyên dương chánh pháp Từ bi và Trí tuệ.

    * Lời nói không chân thật:

    - Lời nói gây chia rẽ, không đúng sự thật.

    -Lời nói để hại người, xuyên tạc, thiên vị, dua nịnh.

    - Lời nói nguyền rủa , mắng nhiếc, vu họa và thô tục.

    - Lời nói để bảo vệ Ngã và Ngã sở.

    4. Chánh nghiệp


    Chánh nghiệp là hành động nào cũng phải phù hợp với lẽ phải, đừng hãm hại bất cứ loài vật nào, bất cứ một người nào, ngay cả đừng có một ý định làm hảm hại người nào.

    Chánh tư duy cũng diễn tả, cũng suy nghĩ về chánh nghiệp. Nói khác người có chánh nghiệp là luôn luôn có hành vi đạo đức tốt, tránh gây tổn thương quyền lợi và danh dự của kẻ khác.

    Người theo đúng “chánh nghiệp” là người luôn luôn thận trọng , giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm tổn hại đến quyền lợi, nghề ghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác. Hơn nưa người theo đúng chánh nghiệp bao giờ cũng tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi ích cho mọi người, mọi vật; và nếu cần, có thể hy sinh quyền lời hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

    * Hành động chân chánh:

    - Hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống chung của mọi người, mọi loài.

    - Hành động có thận trọng không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản, danh giá và địa vị của kẻ khác.

    - Hành động chân chánh là hành động có lương tâm, đạo đức trong địa vị của mình, biết gìn giữ tánh hạnh.

    - Biết hy sinh chánh đáng để đem lại lợi lạc cho quần sanh.

    * Hành động không chân chánh:

    -Hành động không gìn giữ các phép tắc, giới điều.

    - Hành động chỉ vì lợi mình mà hại người.

    5. Chánh mạng


    Chánh mạng là làm một nghề để sinh sống phải tránh làm hảm hại kẻ khác. Phật giáo thường khuyến khích con người loại bớt các tài sản vì nó ràng buộc mình. Thực ra thì cũng không có điều nào cấm cản việc tích trử tiền bạc và sắm các nữ trang quý giá. Tất cả tùy thuộc vào sự liên hệ của tài sản này do đâu mà có. Theo truyền thống thông thường thì sự giàu sang có thể là dấu hiệu của một nghiệp tốt lành (good karma). Tài sản dồi dào cũng có thể giúp hành giả một cơ hội giúp đỡ người khác qua lòng từ bi của hành giả.

    Người theo Chánh mạng sống đúng Chánh pháp, không mê tín dị đoan, và biết thân tứ đại vốn vô thường, nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí huệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với chánh pháp.

    Đời sống chân chánh:

    -Sống bằng khả năng, tài năng chân chánh, không lừa dối gạt người.

    - Sống thanh cao, đúng chánh pháp không mê tín.

    Đời sống không chân chánh:

    - Làm tổn hại và não lọan tâm trí mọi người.

    - Sống luồn cúi, dùng miệng lưỡi, mối lái để giao dịch thân thiện.

    - Sống chạy theo mê tín, dị đoan; sống nương tựa ăn bám vào kẻ khác.

    6. Chánh tinh tấn


    Chánh tinh tấn là kỷ luật tinh thần nhằm chú tâm cố gắng, siêng năng, kiên nhẫn để sử dụng sự cố gắng thích hợp giữa hai cực đoan: một bên là lười biếng, một bên là làm quá sức. Chánh tinh tấn là loại bỏ những thái độ, những tư tưởng không đúng đắn. Chúng ta đã biết rằng Đức Phật đã cố gắng chống lại những trở lực để đi đến chỗ giác ngộ: Ngài đã bị thiếu nữ Mara cám dỗ, nhưng Ngài đã không bị lay chuyển để rồi đi đến chỗ đắc đạo.

    Người theo đúng Chánh tinh tấn, trước tiên, bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành (xem bài Tứ Chánh cần). Người theo đúng Chánh tinh tấn, dũng mãnh tiến lên trên đường đi đến giải thoát, cho đến lúc nào đạt được mục đích cao cả, cùng tột ấy mới thôi (xem đoạn “Tấn căn” trong bài Ngũ căn). Quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm chỗ quy hướng, một lòng chẳng trễ, muôn kiếp không dời, quyết công phu, định thành đạo quả để trước tự độ, sau hóa độ chúng sanh.

    Chuyên cần chân chánh:

    - Quyết tâm lọai bỏ các việc ác đã sanh, ngăn ngừa những việc ác chưa sanh.

    - Chuyên làm các việc lành việc tốt.

    - Chuyên cần trau dồi phước đức và trí tuệ.

    * Chuyên cần không chân chánh:

    - Là người say sưa với ngũ dục và khóai lạc.

    - Là kẻ say sưa lạc thú làm tổn hại đến người khác, không tiết chế bản thân.

    7. Chánh niệm


    Chánh niệm có nghĩa là phải làm cho đời sống của chúng ta gắn liền với những gì mà ta đang làm trong hiện tại. Ví dụ: khi ăn thì ta chú tâm ăn, khi đọc sách thì ta chú tâm đọc, khi đọc Kinh Phật thì ta chú tâm và kinh Phật, Khi đang lái xe thì chú tâm vào việc lái xe, khi rửa chén thì chú tâm vào việc rửa chén.

    Chánh niệm khiến chúng ta gợi lại những điều trong quá khứ, nhất là để tâm vào những điều ta luyến tiếc. Chánh niệm khiến chúng ta nghĩ đến tương lai, nhất là những điều chúng ta đang lo lắng. Rồi Chánh niệm giúp ta trở lại giây phút hiện tại để chú ý vào những điều ta đang muốn và đang xảy ra trong hiện tại và tìm ra một giải pháp thích hợp.

    Chánh niệm có hai phần:

    1. a) Chánh ức niệm:là nghĩ nhớ đến các điều lỗi lầm để thành tâm sám hối, và nghĩ nhớ đến Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân tổ quốc, ân chúng sinh và ân Tam Bảo để lo báo đền.
    2. b) Chánh quán niệm:là dùng tâm từ bi xét nghĩ cuộc đời là khổ não, tật bệnh, mê mờ mà chúng sinh đang mắc phải, để mở rộng lòng thương yêu và quyết ra tay cứu độ.

    Người theo đúng Chánh niệm, thường quán sát cảnh chân đế, năng tưởng niệm các pháp trợ đạo; bất luận ở đâu và làm gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, dù trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng.

    * Ức niệm chân chánh:

    - Nhớ đến tứ ân.

    - Nhớ đến những lỗi lầm xưa, đừng để tái phạm trong hiện tại và tương lai.

    * Ức niệm không chân chánh:

    - Nhớ lại những óan hận để phục thù.

    - Nhớ lại những hạnh phúc mong manh không ích lợi.

    - Nhớ lại hành động oai hùng, dùng thủ đọan xảo trá, tàn bạo đã qua để hãnh diện tự đắc.

    * Quán niệm chân chánh:

    - Quán niệm Từ bi: Thấy nỗi khổ của chúng sanh trong luân hồi sanh lòng thương xót, tìm nhiều phương tiện để giúp đở họ. Thấy sự mê lầm của mình và người dẫn đến sầu, bi , khổ, ưu và não, thực hành lời Phật dạy để chấm dứt mê lầm.

    - Quán niệm Trí huệ: Quán niệm nguyên nhân sanh hóa vũ trụ, óan thân, tốt xấu, cao thấp; quán niệm thực tướng của các pháp để vững tiến trên con đường giải thoát.

    * Quán niệm không chân chánh:

    - Nhớ nghĩ đến dục lạc, khóai cảm.

    - Nhớ nghĩ đến kế sách, âm mưu và phương tiện giết hại lẫn nhau.

    - Nhớ nghĩ đến văn tự xảo trá để gạt người.

    8. Chánh định


    Chánh định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì tốt lành như lòng từ bi, như  sự vô thường của cuộc đời. Tâm thần của chúng ta được coi như là một tấm gương dính bụi, Chánh định coi như lau chùi tấm gương để tấm gương được sáng tỏ. Nói khác, Chánh định giúp cho tâm thần được sáng sủa để nhìn sự vật như là nó hiện hữu trong thực tại.

    Chánh định giúp chúng ta nhìn thấu triệt tính vô thường, tính duyên khởi của mọi sự vật, mọi hoàn cảnh ở đời để giúp chúng ta làm giảm những lo lắng, sợ sệt, nghi ngờ, tham luyến, giận dữ và ảo tưởng về một việc hay một vấn đề nào đó; và nhờ đó cuộc sống của chúng ta sẽ bình an hơn, sẽ khéo léo hơn, và sẽ từ bi hơn để đem lợi ích cho chính chúng ta và cho người khác.

    Người theo đúng Chánh định, thường tập trung tư tưởng để quan sát những vấn đề chính sau đây:

    Quán thân bất tịnh: (bất tịnh quán) tức là quán tưởng thân không thanh tịnh, để trừ tham dục, si ái (xem lại đoạn: “quán thân bất tịnh” trong bài Tứ niệm xứ).

    Quán từ bi: (từ bi quán) là quán tưởng tất cả chúng sinh đều là một chân tâm, bình đẳng không khác, để đoạn trừ thù hận, và mở rộng lòng thương yêu để cứu độ chúng sinh.

    Quán nhân duyên: (nhân duyên quán) là quán tưởng tất cả pháp hữu hình như muôn vật, vô hình như tâm niệm đều là giả hợp, duyên nhau mà có, chứ không có một cách chân thật, không trường tồn, để đoạn trừ ngu si, pháp chấp.

    Quán giới phân biệt: (giới phân biệt quán) nghĩa là phân biệt và quán tưởng sự giả hợp của 18 giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức để thấy không thật có “ngã, pháp” ngõ hầu diệh trừ ngã chấp, pháp chấp.

    Quán hơi thở: (sổ tức quán) nghĩa là qúan tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào, để đối trị sự tán loạn của tâm thức.

    * Thiền định chân chánh:

    - Bất tịnh quán: quán các pháp không thanh tịnh, để trừ tham dục, si ái v.v…….

    -Từ Bi Quán : Quán sát tất cả chúng sanh đồng thể tánh thanh tịnh, không hơn không kém để tôn trọng, kính quý và đọan trừ tâm hận thù

    - Nhân duyên quán: Quán tất cả pháp đều do nhân duyên mà thành, không có một pháp nào riêng biệt trong thế giới tương tức tương nhập ( Kinh hoa nghiêm), không chân thật, không trường tồn, để đọan trừ ngu si thiên chấp.

    - Giới phân biệt quán: Nghĩa là phân biệt và quán sát sự giả hợp của 18 giới ( 6 căn, 6 trần, 6 thức) để thấy không thật có ngã pháp và diệt trừ ngu si cố chấp.

    - Sổ tức quán: Nghĩa là quán hơi thở, để đối trị tâm tán lọan để đi sâu vào thiền định.

    * Thiền định không chân chánh:

    -Thiền định để cầu thác sinh các cõi trời.

    -Thiền định để luyện bùa chú, thần thông, phép lạ, trường sanh bất tử.

    Trên thực tế, toàn bộ giáo huấn của Đức Phật, những gì mà Ngài giảng dạy trong suốt 45 năm dù làm theo cách này hay cách khác với con đường này. Ngài đã giải thích nó theo những cách khác nhau và bằng những từ khác nhau cho những người khác nhau, theo giai đoạn phát triển của họ. Nhưng bản chất của hàng ngàn lời thuyết giảng ở khắp nơi trong kinh điển Phật giáo đều được tìm thấy trong Bát chánh đạo.

    Tu tập Bát chánh đạo chính là tu tập Thân - Khẩu - Ý của chúng ta, khi thực hành Bát chánh đạo thì gặt hái nhiều kết quả tốt.

    Bát chánh đạo lại là nền tảng chánh giác, là căn bản của Giải thoát - Giác ngộ.

    Nguồn: tổng hợp buda.vn ,thuvienhoasen.org vv...