Học cách nói “Tôi không biết”
“Không
cần phải biết tất cả mọi thứ, nhưng phải biết cách tập hợp xung quanh
mình những người biết giúp bạn tìm câu trả lời” – CEO của Qualcomm chia
sẻ.
Ở tuổi 46, Steve
Mollenkopf đang là CEO của tập đoàn Qualcomm – hãng sản xuất chip cho
thiết bị di động lớn nhất thế giới. Trong gần 20 năm làm việc tại
Qualcomm, Mollenkopf là một trong những nhân vật đóng vai trò chủ chốt
trong việc đưa Qualcomm qua mặt Intel trên thị trường công nghệ di động.
Với
bề dày thành tích của mình, Mollenkopf từng được Microsoft xem xét mời
về làm CEO để làm người kế tục Steve Ballmer, trước khi Hội đồng quản
trị Qualcomm nhanh tay hành động bằng cách đưa ông lên làm CEO vào tháng
3/2014.
Học cách nói “Tôi không biết”
Mollenkopf
kể rằng, cha của ông chính là hiệu phó cũng như giáo viên thể dục tại
trường tiểu học của ông. Vì vậy, ông thường xuyên nhận được nhiều lời
khuyên về việc chơi môn bóng rổ từ cha mình.
Bài
học mà Mollenkopf nhớ nhất từ cha là một câu nói tưởng chừng rất đơn
giản: “Nếu con có sai, thì nên sai trong lúc ném bóng, chứ đừng sai bằng
cách giữ bóng”.
Đó là câu nói mà một nhà lãnh đạo xuất sắc
như Mollenkopf luôn nhắc nhở nhân viên của mình cho tới tận ngày nay
với lời giải thích đi kèm: phải dám hành động và chấp nhận rủi ro, vì
chẳng có sai lầm nào lớn bằng việc thụ động ngồi yên và không dám làm
gì.
Với tinh thần chấp nhận rủi ro và
các yếu tố bất định như vậy, Mollenkopf cũng khuyên các nhà quản trị
rằng: “Không cần phải biết tất cả mọi thứ, nhưng phải biết cách tập hợp
xung quanh mình những người biết giúp bạn tìm câu trả lời”. Vì vậy, ông
thường xuyên trao khá nhiều quyền hạn cho cấp dưới và cho phép họ tự đưa
ra quyết định riêng của mình.
Chính
vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi Qualcomm thường xuyên nằm trong
danh sách những công ty sáng tạo nhất nước Mỹ, từ lĩnh vực công nghệ cho
tới khâu quản lý nhân sự và pháp lý.
Đừng tự giới hạn chính mình
Mollenkopf
kể lại rằng, khi mới bước chân vào trường đại học, ông có xác định là
mình muốn làm kỹ sư, nhưng lại không biết nên theo chuyên ngành nào. Sau
cùng, Mollenkopf quyết định theo học chương trình kỹ sư điện, vì thấy
rằng đó là chương trình kén chọn sinh viên nhất.
Từ
đó tới nay, Mollenkopf luôn lựa chọn những thử thách khó khăn nhất
trong công việc để xắn tay vào giải quyết, cũng với tinh thần “thà sai
trong hành động, chứ không sai bằng cách ngồi yên”.
Với những sinh viên mới ra trường, Mollenkopf nhắn nhủ với họ: “Đừng đặt ra kế hoạch
sự nghiệp quá kỹ lưỡng làm gì, vì khi đó bạn dễ đánh giá thấp khả năng
của chính mình và từ đó tự giới hạn các mục tiêu của bản thân. Hãy để
dành chỗ cho vận may và nhanh chóng bắt lấy vận may một khi nó xuất
hiện”.
Theo Doanhnhansaigon.vn